Với những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản, sản xuất mía đường, hay sản xuất thép v.v… thì que hàn chịu mòn là sản phẩm khá quen thuộc. Vậy que hàn chịu mòn có những đặc tính gì và ứng dụng của loại que hàn này trong các ngành công nghiệp như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Que hàn chịu mòn là gì?
Que hàn chịu mòn, còn được biết đến là que hàn chống mòn hay que hàn chống mài mòn, là que hàn có các thành phần hợp kim đặc biệt làm tăng độ cứng và khả năng chịu mài mòn cao được sử dụng chủ yếu trong các ngành công nghiệp nặng. Que hàn chịu mòn dùng để đắp lên các bề mặt chịu mài mòn của các chi tiết làm việc của các thiết bị chuyên dụng, làm tăng tuổi thọ làm việc của các chi tiết công tác này, qua đó cải thiện hiệu suất của thiết bị
Que hàn chịu mòn có độ cứng cao, thông thường từ 55 – 62 HRC.
Thành phần chủ yếu của que hàn bao gồm C, Si, Mn, Crv.v… cùng với các hợp kim đặc biệt như Mo, V, Nb, Bo,… Tùy vào hàm lượng hợp kim mà các loại que hàn sẽ có độ cứng và khả năng chịu mòn khác nhau.
Ví dụ: Que hàn chịu mòn khốc liệt của hãng Kjellberg (Đức) Fidur 10/70 có thành phần kim loại C 4.8%, Si 0.7%, Mn 0.5%, Cr 38% và B 3%, sở hữu độ cứng vượt trội lên đến 70 HRC (cao hơn tất cả các loại que hàn crom cacbit phổ biến trên thị trường) và hiệu suất đắp lên đến 240%. Que hàn Fidur 10/70 được ứng dụng cho các bề mặt chịu mài mòn khốc liệt , thậm chí ở nhiệt độ cao.
Một số ứng dụng phổ biến của que hàn chịu mòn
Các thiết bị đắt tiền và các dây chuyền công nghiệp hàng ngày phải chịu tác động mài mòn, ăn mòn, xâm thực v.v. gây nên hiện tượng mòn và nứt vỡ, do đó làm tăng đáng kể chi phí vận hành. Sử dụng que hàn chịu mòn sẽ tăng tuổi thọ cho các chi tiết máy, qua đó giảm thiểu tối đa chi phí.
- Hàn sửa chữa con lăn máy nghiền:
Bị mòn nhiều do tác động mài mòn và lực nén cao, yêu cầu hàn đắp và sửa chữa tại chỗ bằng hàn hồ quang tay, đồng thời tăng khả năng chịu mòn bằng việc phủ lên trên bề mặt con lăn 2 lớp que hàn. Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp hàn tự động bằng dây hàn lõi thuốc.
- Máy xúc/máy ủi:
Mòn trên gầu xúc và răng gầu do mài mòn, va đập mạnh với vật liệu than, cát, đất đá, khoáng chất. Bảo vệ các lợi gầu, các cạnh và vị trí mòn bằng việc phủ các loại hợp kim chịu mài mòn cao thông qua hàn hồ quang tay, hàn bán tự động bằng dây lõi thuốc.
- Búa đập máy nghiền:
Các búa đập liệu chịu va đập và chịu mài mòn đặc biệt lớn khiến cho bề mặt búa mòn nhanh và có thể bị vỡ, nứt. Tăng tuổi thọ của búa đập từ 2 đến 4 lần bằng việc hàn đắp que hàn lên trên bề mặt búa ở các vị trí chịu mòn và va đập.
- Vỏ quạt và cánh quạt công nghiệp:
Mòn nhiều do tác động mài mòn từ các hạt mịn. Hàn đắp sửa chữa thông qua việc hàn đắp bù lên các phần bị mòn với que hàn hợp kim chịu mài mòn. Cũng có thể áp dụng hàn đắp chế tạo mới bằng dây hàn lõi thuốc, phun phủ nhiệt và tấm chịu mài mòn.
- Vỏ lò quay/vành băng đa:
Nứt và tróc trên vành băng đa do tải trọng và nhiệt. Sửa chữa và phục hồi thông qua loại bỏ phần kim loại bằng thổi kim loại và mài gia nhiệt vùng hàn khoảng 150 độ C. Đắp bù mòn các phần bị nứt tróc, kết hợp dùng que hàn để hàn lót ngăn rỗ mối hàn do lưu huỳnh và hidro.
- Vít tải:
Mòn do tác động mài mòn của xi-măng và than mịn và khoáng chất. Hàn sửa chữa thông qua hàn đắp các phần bị mòn bằng hợp kim chịu mài mòn (hàn hồ quang tay). Ngoài ra còn có thể sử dụng phương pháp phun phủ nhiệt bằng bột Wonfram cacbit hoặc dây hàn lõi thuốc Crom cacbit .
- Sửa chữa trục chuyển động/mô tơ:
Mòn tại vị trí cổ nơi lắp vòng bi hoặc bạc. Đắp bù bằng giải pháp phun phủ nhiệt, giúp sửa chữa nhanh và không gây biến dạng trục do nhiệt (hàn hồ quang tay)
Quy trình và kỹ thuật sử dụng que hàn chống mài mòn
Dưới đây là quy trình sử dụng que hàn chống mài mòn thông dụng trong hàn đắp sửa chữa và phục hồi các chi tiết của thiết bị chịu mài mòn.
- Chọn thành phần hợp kim. Tiêu chí này phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện hoạt động của chi tiết cần hàn, có thể kể đến như ma sát, va đập, nhiệt độ hay trọng tải, môi trường ăn mòn v.v.
- Làm sạch vị trí hàn để loại bỏ dầu mỡ, tạp chất còn dính trên bề mặt
- Hàn đắp: có thể dùng vật liệu hàn lót có thành phần hợp kim thấp hoặc giống như kim loại cơ bản nếu cần
Đối với các loại que hàn có thành phần Crom cacbit, để kim loại mối hàn đạt độ cứng tối đa cần hàn từ 2-3 lớp hàn.
Một số lưu ý khác khi hàn đắp chi tiết chịu mài mòn:
- Khi hàn đắp nhiều lớp phải cạo sạch xỉ hàn trước khi hàn đắp lớp tiếp theo. Để giảm sự biến dạng, dùng búa tay gõ nhẹ vào lớp hàn đắp khi còn nóng.
- Khi hàn cần tránh chỗ kết thúc của mối hàn sinh ra những rãnh hồ quang quá sâu, làm ảnh hưởng đến việc hàn những lớp sau
Ưu điểm của que hàn chịu mòn
Với khả năng chống chịu mài mòn tuyệt vời, que hàn chịu mòn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp nặng. Hàn đắp que hàn chịu mòn lên các bề mặt chịu mài mòn va đập thường xuyên sẽ giảm thiểu sự hao mòn của thiết bị, qua đó nâng cao tuổi thọ và giảm đáng kể chi phí vận hành và bảo hành thiết bị máy móc công nghiệp.
Những lợi ích lâu dài khi sử dụng que hàn chịu mòn chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng các thiết bị chịu mòn thường xuyên thông qua tiết kiệm và giảm chi phí đầu tư cũng như thay thế linh kiện phụ tùng cơ khí.